Ford là nhãn hiệu do Công ty đa quốc gia Ford Motor sở hữu có trụ sở chính đặt tại Dearborn, Michigan, Mỹ. Ngoài hai thương hiệu Ford và Lincoln, Ford Motor còn sở hữu cổ phần của Mazda (Nhật Bản) và Aston Martin (Anh). Hai phân nhánh Jaguar và Land Rover trước đây của Ford đã được bán cho công ty Tata Motors của Ấn Độ vào tháng 3 năm 2008. Năm 2010, Ford tiếp tục bán phân nhánh Volvo cho công ty Geely Automobile (Trung Quốc). Ford cũng ngưng sản xuất thương hiệu Mercury từ năm 2011.
Ford đã đưa ra các phương pháp sản xuất xe với số lượng lớn và quản lý lực lượng lao động công nghiệp trên quy mô lớn sử dụng dây chuyền sản xuất được kỹ thuật hóa một cách tinh vi đặc biệt là các dây chuyền lắp ráp di động. Các phương pháp của Henry Ford trở nên nổi tiếng khắp thế giới từ năm 1914.
Năm 2010, Ford là nhà sản xuất ô tô lớn thứ hai tại Mỹ và thứ 5 trên thế giới xếp hạng dựa trên doanh số bán ra thường niên. Cuối năm 2010, Ford là hãng sản xuất ô tô lớn thứ 5 tại thị trường châu Âu.
Lịch sử hình thành và phát triển
Công ty Ford Motors được Henry Ford thành lập vào tháng 6 năm 1903. Các mẫu xe ban đầu được sản xuất có Model A, Model K và Model S – mẫu xe cuối cùng của Ford trang bị tay lái bên phải. Năm 1908, Ford giới thiệu mẫu xe mới Model T và đạt được thành công lớn tại Mỹ. Đến năm 1913, Ford đã phát triển hầu như toàn bộ các kĩ thuật sản xuất dây chuyền, sản xuất công nghiệp và thành lập dây chuyền sản xuất lắp ráp ô tô di động đầu tiên trên thế giới cũng trong năm này.
Vào đầu thập niên 1920, Ford thực hiện chính sách tiếp cận các thị trường nước ngoài như Anh, Pháp, Đức, Đan Mạch, Áo, và Úc. Những hoạt động của công ty tại thị trường châu Âu góp phần thúc đẩy sự phát triển của thương hiệu trên toàn cầu.
Năm 1922, Ford bước chân vào phân khúc sản xuất ô tô cao cấp bằng việc mua lại công ty Lincoln Motor thành lập năm 1917. Phân nhánh Mercury ra mắt năm 1938 được định vị trong phân khúc giá hạng trung, nằm giữa hai thương hiệu Ford và Lincoln.
Ford là một trong số ít công ty Mỹ vượt qua được ảnh hưởng của cuộc đại suy thoái kinh tế 1929. Tháng 5/1929, Ford ký bản hợp đồng với Liên Xô cung cấp hỗ trợ về mặt kỹ thuật để xây dựng một nhà máy sản xuất ô tô tích hợp tại Nizhny Novgorod, đổi lại Liên Xô bỏ ra 13 triệu USD mua các sản phẩm ô tô cũng như linh kiện từ Ford.
Sau khi chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc, Ford tái khởi động dây chuyền sản xuất xe du lịch vào năm 1955 với sự ra mắt của mẫu xe mang tính mẫu mực Thunderbird. Tiếp theo đó vào năm 1967, Ford thành lập một phân nhánh sản xuất tại châu Âu.
Giai đoạn đầu thế kỷ XXI, Ford gặp phải khá nhiều khó khăn và công ty gần như đứng trước bờ vực phá sản. Để cứu vãn tình thế, năm 2006, Ford quyết định thế chấp tất cả tài sản của công ty để có nguồn hỗ trợ tài chính cho việc khôi phục. Hiện nay, công ty đã dần lấy lại được vị thế vốn có của mình.
Sản phẩm
Dãy sản phẩm của Ford đa dạng về phân khúc gồm phân khúc sedan và hatchback với Fiesta, Fusion, Taurus, Focus, Mustang; phân khúc crossover với Escape, Edge, Flex; phân khúc SUV với Explorer, Expedition; phân khúc pickup truck và van với Ranger, F-150, Series E Wagon, Transit Connect, Super Duty. Bên cạnh đó là các mẫu xe thương mại như Transit Connect, Chassis Cab, Series E Van, F-650/F-750, Stripped Chassis.
Ngoài ra, Ford còn nghiên cứu phát triển các mẫu xe hybrid và xe điện như Fusion Hybrid, Escape Hybrid, Transit Connect EV, và Focus Electric.
Điểm nổi bật
Được biết đến như một trong ba nhà sản xuất ô tô lớn nhất Hoa Kỳ, với dây chuyền sản xuất công nghiệp hiện đại của mình, Ford đã thu hút hàng triệu khách hàng trung thành bằng dãy sản phẩm đa dạng. Phân khúc SUV Và xe tải của hãng đặc biệt thành công. Trong nhiều thập kỷ, mẫu xe tải Series F của Ford liên tục là mẫu xe bán chạy nhất tại Hoa Kỳ.
Ford là một trong số ít công ty thực sự đầu tư nghiên cứu phát triển các mẫu xe hybrid và xe điện và đã đăng ký giấy phép cho công nghệ hybrid của mình.
Tại Việt Nam
Công ty Ford Việt Nam thuộc tập đoàn ô tô Ford được thành lập năm 1995 và khai trương nhà máy lắp ráp ở tỉnh Hải Dương (cách Hà Nội 55 km về phía Đông) hai năm sau đó vào tháng 11/1997.
Tổng vốn đầu tư của Ford Việt Nam là 102 triệu USD, trong đó Ford Motor đóng góp 75% số vốn và Công ty Diesel Sông Công Việt Nam có 25% vốn góp. Diện tích sản xuất của nhà máy rộng hơn 17,400 m2. Công suất của nhà máy là 14,000 xe một năm/2 ca sản xuất với 6 dòng sản phẩm hiện tại là Transit, Ranger, Escape, Mondeo, Everest, Focus.
Sau 10 năm hoạt động, từ vị trí thứ 7 trên thị trường khi bắt đầu hoạt động tại Việt Nam năm 1997, Ford Việt Nam đã nhanh chóng phát triển và đến hết năm 2004, Ford Việt Nam đã vươn lên vị trí thứ 2 trên thị trường với 14% thị phần.
BTV Đỗ Quyên - Motoring.vn