Chọn mua xe MPV, những điều cần biết
Bài viết bởi:
Hồng Ngọc
Updated:
December 29, 2013 | 11:51 PM
(Motoring.vn) - MPV (viết tắt của Multi-purpose Vehicle) theo cách phân loại tại Châu Âu và Châu Á hay còn gọi là Minivan theo cách phân loại xe tại Mỹ. MPV là chủng loại xe thực dụng, nó không chỉ nổi bật về khả năng chuyên chở người và hàng hóa mà còn được xem là mẫu xe có tính linh hoạt nhất trên thị trường. Tùy vào từng giai đoạn phát triển của thị trường, có những lúc nó nổi lên như một xu hướng tiêu dùng chính, thậm chí triệt tiêu cả một phân khúc xe khác chẳng hạn như station wagon.
Tập trung vào đáp ứng nhu cầu sử dụng cụ thể thay vì mong muốn, phong cách hay biểu tượng, MPV là chủng loại xe rất đa dạng và phát triển bám sát theo từng thị trường. Một số vấn đề mà người tiêu dùng cần biết khi xem xét mua loại xe này.
Kích thước và số chỗ
Tại thị trường như Việt Nam, người mua là tổ chức và doanh nghiệp là người mua chính của loại xe này ở thời gian đầu và giờ đây, người mua là cá nhân đang ngày càng nhiều hơn dẫn đến sự đa dạng về cỡ xe và cấu hình. Tại Việt Nam, có thể tạm chia ra thành 3 phân khúc:
MPV cỡ nhỏ: gồm các xe có số chỗ 5+2 (2 ghế phụ phía sau) như Chevrolet Vivant, Mazda Premacy, Fiat Doblo trước đây và hiện nay là Chevrolet Orlando, Nissan Grand Livina, Kia Carens.. Những mẫu xe này có kích thước bên ngoài tương đương các mẫu xe Hatchback, nhưng khoang xe lại rộng và khả năng chuyên chở nhiều hơn.
MPV cỡ trung: gồm các xe có số chỗ từ 7 đến 8 như Toyota Zace, Isuzu Hi-lander, Mitsubishi Jolie trước đây và hiện nay là Toyota Innova, Kia Grand Carnival, Suzuki APV, Mitsubishi Zinger, những mẫu xe này có kích thước bên ngoài và bên trong tương đương các xe thể thao đa dụng (SUV) cỡ trung.
MPV cỡ lớn (Minivan): gồm các xe có số chỗ từ 8-10 chỗ như Hyundai Grand Starex 9 chỗ, Toyota HiAce 10 chỗ, Ford Transit 9 chỗ và một số xe nhập khẩu từ Mỹ như Toyota Sienna, Honda Odyssey.
Thiết kế thân xe và các đặc tính
Ở phân khúc MPV cỡ nhỏ, thân xe có kết cấu liền khối (Unibody), có thể chia sẻ chung khung sườn với sedan, thân xe và khoảng sáng gầm xe thấp, điều này giúp việc ra vào xe, đặc biệt là người già, trẻ em và phụ nữ dễ dàng hơn. Thân xe unibody, có trọng lượng nhẹ và trọng tâm thấp mang lại cho những mẫu xe này thuộc tính lái, điều khiển và tiết kiệm nhiên liệu không khác nhiều so với dòng xe sedan. Một nhược điểm đi kèm là khoảng sáng gầm xe thấp sẽ gây hạn chế trong việc di chuyển trên đường xấu hoặc ngập úng.
Đối với phân khúc MPV cỡ trung, thân xe kết cấu trên khung tải (body on frame) thường được sử dụng trên các mẫu xe cho các thị trường đang phát triển mang tính khu vực như Toyota Innova, Mitsubishi Zinger, Suzuki APV, Toyota Zace, Isuzu Hi-lander, Mitsubishi Jolie. Điểm mạnh của các xe này (tùy vào hệ thống treo sau) là có thể chở nặng hơn MPV cỡ nhỏ, khoảng sáng gầm xe lớn tạo khả năng đi trên địa hình đường xấu và tình trạng ngập úng. Tuy nhiên, tính năng lái và điều khiển thuộc loại kém nhất trong phân khúc như xe chao lắc và kém ổn định khi chạy tốc độ cao, khi có gió lớn, nguy cơ tai nạn lăn nghiêng cao khi ôm cua gắt ở tốc độ cao hay mất lái, có thể hy sinh độ vững chắc của thân xe để đổi lấy trọng lượng nhẹ và khả năng tiết kiệm nhiên liệu.
Các mẫu xe MPV cỡ trung có thiết kế liển khối Unibody thường là các mẫu xe toàn cầu, cho cả thị trường phát triển như Mỹ và Châu Âu và đang phát triển như Đông Nam Á và Trung Quốc. Thân xe unibody khắc phục được các nhược điểm của thân xe trên khung tải như đã nói trên. Tuy nhiên, các mẫu xe này thường có động cơ dung tích lớn và không có thế mạnh về khả năng tiết kiệm nhiên liệu.
Phân khúc MPV cỡ lớn, phân khúc này còn thể gọi là minivan. Motoring.vn tạm chia làm 2 nhóm nhỏ hơn là nhóm các mẫu xe có tính bán thương mại (commercial vehicle) và xe có tính cá nhân (passenger vehicle). Các xe hướng về tính bán thương mại như Hyundai Grand Starex 9 chỗ, Toyota HiAce 10 chỗ và Ford Trangsit 9 chỗ là các biến thể của các mẫu xe thương mại nhắm đến người mua tổ chức với thiết kế thân xe rộng, các tiện nghi mang tính phổ quát thay vì tập trung thỏa mãn nhu cầu cá nhân nhưng vẫn thoải mái và dễ chịu hơn các biến thể thương mại thuần túy cho việc kinh doanh vận tải hay vận chuyển số lượng lớn.
Các xe MPV cỡ lớn hướng đến người mua cá nhân trên thị trường hiện nay rất ít, chủ yếu là các xe nhập khẩu từ thị trường Mỹ như Toyota Sienna, Honda Odyssey, Dodge Grand Caravan, Chrysler Grand Voyager. Các mẫu xe thuộc nhóm này có giá đắt nhất nhưng cũng có chất lượng cao nhất phân khúc.
Tính an toàn
Về tính an toàn, dù rằng có sự đồng đều như 2 túi khí trước, hệ thống phanh ABS thì nguy cơ tai nạn lăn nghiêng, tính ổn định thân xe thấp ở tốc độ cao hay trong thời tiết có gió lớn vẫn là điểm yếu của các mẫu xe MPV cho các thị trường đang phát triển mang tính khu vực so với các mẫu xe MPV cho thị trường toàn cầu; chưa kể một số trang bị an toàn tân tiến hơn như hệ thống chống trượt TC, cân bằng điện tử ESP và các túi khí hông có thể khiến các mẫu xe MPV toàn cầu chiếm ưu thế tuyệt đối về tiêu chí này.
Tuy nhiên, những khác biệt này cũng đến từ đặc điểm hay trình độ phát triển của thị trường Việt Nam, nơi mà tiêu chuẩn an toàn cho người sử dụng ô tô chưa được cụ thể trong chính sách và luật pháp, đường cao tốc vẫn còn rất ít, chiếc xe phải đáp ứng nhiều nhiệm vụ với ngân sách thấp nhất, và quan trọng hơn là phân khúc người dùng ô tô cá nhân vẫn ở buổi “bình minh”.
Motoring.vn luôn cổ vũ sự an toàn trong sử dụng ô tô, chúng tôi muốn khích lệ bạn đặt ưu tiên các tiện nghi và tính năng an toàn lên hàng đầu nếu ngân sách cho phép, có thể nó ít có “cơ hội” phát huy tác dụng nhưng khi cần nó lại mang lại cho bạn giá trị không thể đo lường và càng khó mà đem so sánh giữa lợi ích và chi phí bỏ ra như đối với các tiện nghi khác.
Có thể bài viết còn nhiều khiếm khuyết, Motoring.vn rất mong nhận được góp ý phê bình của độc giả trong và ngoài ngành ô tô để bài viết trở nên hữu ích hơn nữa cho người mua ô tô, vui lòng gửi góp ý về: contactmotoring@gmail.com
Hồng Ngọc
© 2012 Motoring.vn